Cận cảnh CHẤN THƯƠNG của Xuân Son tại trận chung kết: Có thể sẽ MẤT SỰ NGHIỆP – Zing News
HomenewsCận cảnh CHẤN THƯƠNG của Xuân Son tại trận chung kết: Có thể sẽ MẤT SỰ NGHIỆP
Theo bác sĩ, chấn thương của cầu thủ bóng đá Nguyễn Xuân Son là loại chấn thương rất thường gặp, có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tối 6/1, hàng triệu trái tim người hâm mộ bóng đá nước nhà vỡ òa khi đội tuyển Việt Nam vượt qua Thái Lan trong trận lượt về chung kết AFF Cup 2024, lên ngôi vô địch lần thứ 3.
Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, đội tuyển Việt Nam cũng chịu tổn thất không nhỏ khi tiền đạo chủ lực Nguyễn Xuân Son bị chấn thương rất nặng, phải rời sân ngay thời gian đầu trận đấu.
Cụ thể, ở phút 32, Nguyễn Xuân Son trong nỗ lực chuyền bóng cho đồng đội đã ngã khá mạnh xuống mặt sân Rajamangala (Bangkok, Thái Lan). Cú ngã này khiến phần dưới chân phải của Xuân Son bị gập.
Nguyễn Xuân Son sau đó được đưa lên xe cấp cứu đến thẳng bệnh viện tại Bangkok. Kết quả chụp phim tại đây cho thấy, nam tuyển thủ bị gãy xương ống đồng và gãy xương mác. Cầu thủ này buộc phải cố định chân phải trong một thời gian.
Ngay sau khi trận đấu kết thúc, đại diện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã vào bệnh viện thăm Xuân Son. Sau khi thảo luận cùng các bác sĩ, VFF quyết định đưa tiền đạo tuyển Việt Nam về nước điều trị.
Nhiều cổ động viên bày tỏ nỗi lo lắng lẫn thắc mắc chấn thương của Nguyễn Xuân Son nặng đến mức nào, mất bao lâu để hồi phục và có cơ hội trở lại bóng đá đỉnh cao hay không?
Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Trần Chí Khôi, khoa Chi dưới, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM cho biết, dựa vào hình ảnh trên sân và ảnh chụp X-quang, chấn thương của Nguyễn Xuân Son được chẩn đoán là gãy kín 1/3 dưới 2 xương cẳng chân trái.
Với tình trạng này, bệnh nhân sẽ được điều trị bằng cách kết hợp xương mác bằng nẹp ốc, đóng đinh nội tủy kín có chốt xương chày.
Theo bác sĩ Khôi, chấn thương mà cầu thủ bóng đá Nguyễn Xuân Son gặp phải là loại chấn thương rất thường gặp, xảy ra do nhiều nguyên nhân.
Có thể kể đến như do tai nạn giao thông; tai nạn lao động té thang, té trên cao; tai nạn sinh hoạt (như té cầu thang tại nhà hay tại chỗ làm); tai nạn thể thao ở các môn mang tính đối kháng cao như võ thuật, đá banh, bóng bầu dục; do đả thương (bị người khác dùng vật cứng đánh thẳng vào cẳng chân).
Với tổn thương nêu trên, các phẫu thuật viên chuyên khoa Chấn thương Chỉnh hình ở Việt Nam hoàn toàn có thể phẫu thuật và điều trị tốt cho bệnh nhân.
Theo đó, ở ngày đầu tiên, bệnh nhân sẽ được phẫu thuật. Ngày thứ 2, bệnh nhân được dùng thuốc giảm đau, giảm phù nề, nằm nghỉ kê cao chân. Ngày thứ 3, bệnh nhân được tập vật lý trị liệu vận động tại giường.
Từ ngày 4 trở đi, bệnh nhân được tập đi nạng chống mạnh chân đau hay chống nhẹ, tùy thuộc vào sự đánh giá kết quả chụp X-Quang sau phẫu thuật. Thời gian quay lại tập luyện nhẹ và tăng dần lên tập nặng là 3-6 tháng tùy thuộc vào vật lý trị liệu và sự cố gắng của bệnh nhân.
Bác sĩ Khôi khuyến cáo, ngoài tổn thương chính là gãy 2 xương cẳng chân, bệnh nhân có thể gặp những tổn thương kèm theo khác, như tổn thương phức hợp dây chằng 2 khớp lân cận (gối hoặc cổ chân).
Do khối máu tụ lớn từ năng lượng chấn thương lớn, bệnh nhân cũng có thể bị đe dọa chèn ép khoang gây hư các nhóm cơ. Một tình trạng khác là việc gãy hở xương, do đầu xương gãy đâm thủng da.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Anh, người có kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong lĩnh vực phẫu thuật chấn thương chỉnh hình chia sẻ thêm, dựa vào hình ảnh biến dạng chân, Nguyễn Xuân Son đã bị gập đột ngột vị trí phần 1/3 dưới cẳng chân.
Nếu chỉ gãy xương, bệnh nhân sẽ phục hồi nhanh sau điều trị. Nếu thuận lợi, Nguyễn Xuân Son có thể sớm trở lại với bóng đá đỉnh cao.
Để lại một bình luận